Đất Đà Lạt từ lâu đã có nhiều khu dân cư rặt chất Huế. Nhiều nét Huế được bảo tồn ở đây còn Huế hơn cả Huế! Tôi là người mê bún bò giò heo, nên đi đâu cũng để ý... bún. Theo tôi, muốn ăn bún bò Huế ngon, hãy về Đà Lạt. Vùng đất này đã và đang pha trộn nhiều phong cách ẩm thực nhưng chất ngon - đặc sắc - tiêu biểu thì luôn được trân trọng giữ lại, phát huy.

Nhiều người "kén" ăn đã không thể chối từ một lần nếm tô bún bò giò heo thơm lừng hương vị của riêng Đà Lạt, với phong cách nấu và các loại rau không thể trộn lẫn vào đâu được. Chất Đà Lạt trong tô bún bò là việc có thêm một số sản vật đặc trưng, ví như trong đĩa rau ghém có thêm vài sợi bắp cải, xà lách Đà Lạt, một ít lá kinh giới ("vụ" rau kinh giới có lẽ ảnh hưởng chất ẩm thực Bắc)... Không thể thiếu chén ớt đỏ cắt lát, miếng chanh vườn mọng nước, đĩa giá trụng hanh hao, nhúm hành chần (phần gốc thân)... làm cho tô bún bò Huế - Đà Lạt thêm phần rực rỡ. Bởi là xứ la-ghim nên đĩa rau ăn bún bò Huế ở Đà Lạt lại được dịp "khuỳnh" to hơn ở nhiều nơi. Và tôi so sánh, tô bún bò Huế ở đây cũng bự hơn nơi khác, có lẽ dân xứ lạnh sợ mau đói?

Vẫn còn đó điều "cốt tử" của thương hiệu bún bò Huế, ấy là việc thêm mắm ruốc vào nước dùng. Vẫn giữ độ "trong veo" đậm đà của nước dùng. Vẫn còn đó sự "hoành tráng" của tô bún "sáng chế" miền Trung; tô to sụ, những miếng thịt bò nạm nâu đỏ - khoanh giò - huyết bò đều không bao giờ "ẻo lả", với nước dùng nóng hổi, ngọt thanh... bắt mắt, quyện hương ngào ngạt, làm người ăn không thể... lịch sự giữ kẽ, kể cả người đang "giữ eo".

Nhanh chóng "chuẩn hóa" gia vị, trộn rau, thực khách cứ thế mà lao vào sùm sụp, vừa thổi vừa gắp,... với nét mặt hồng hào lấm chấm mồ hôi, cái lạnh Đà Lạt như không còn "nghĩa lý" trước tô bún bò Huế... Ở Đà Lạt, tôi cũng đã đến một số quán bún bò Huế không dùng muỗng (thìa), người ăn cứ thế bê nguyên tô lên húp, từng "tợp" bự... đã đời ông Địa!


HÙNG PHIÊN (Báo Lâm Đồng) 

0 comments:

Post a Comment

 
Top