Lần đầu tiên tổ chức theo hệ thống giải thưởng cấp quốc gia, cuộc thi sáng tạo những sản phẩm lưu niệm và quà tặng phục vụ du lịch vừa được ngành du lịch Lâm Đồng tổ chức. Sau cuộc thi, một số dạng quà tặng mới xuất hiện đã trở thành những mặt hàng thiết thực đối với du khách.

Du khách với sản phẩm đạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo mẫu hàng lưu niệm 
và quà tặng du lịch đặc trưng Lâm Đồng.

(Báo Lâm Đồng) Cầm trên tay sản phẩm “cây thông trong bình cầu thuỷ tinh”- sản phẩm vừa đạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo sản phẩm lưu niệm của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa, du khách Hoàng Bình và Mỹ Lan đến từ TPHCM thực sự ấn tượng. Với thiết kế nhỏ gọn, cây thông mi-ni xanh rờn được thu vào khối cầu thuỷ tinh trong suốt. Đến xứ sở ngàn thông, được sở hữu một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt, món quà tặng vừa đáp ứng thị hiếu được lựa chọn một yếu tố thật đặc trưng của thành phố, vừa tinh xảo và bắt mắt nên đã thuyết phục được rất nhiều du khách. Kỹ sư Thanh Nhã - đại diện Công ty Rừng Hoa cho biết để sáng tạo sản phẩm này, các kỹ sư và người thiết kế mẫu đã khá trăn trở để tiết chế các tế bào sống, giữ màu sắc của thông, tìm vật liệu tinh tế để tôn lên vẻ đẹp của thông Đà Lạt. Sản phẩm có thể lưu giữ được ít nhất là 5 năm trở lên nên đảm bảo độ bền. Sau khi đạt giải và ra mắt sản phẩm này, sức tiêu thụ sản phẩm tại Rừng Hoa rất tốt. Có thể nói, với sự đầu tư chu đáo, Rừng Hoa đã bội thu khi đạt cả giải nhì cuộc thi với sản phẩm “Tấm gỗ kết hoa khô” - hiện sản phẩm này cũng đã được nhiều du khách hưởng ứng.
   
Trong số 45 tác phẩm thuộc 6 nhóm mặt hàng được trình làng đã sử dụng nhiều chất liệu đặc trưng Đà Lạt. Công ty Vạn Hồng Gia tập trung vào ưu thế hoa tươi bảo quản, cách thiết kế bắt mắt qua: bó hoa cưới, hộp hoa tình yêu, tác phẩm “Chiều Thuỷ Tạ”… Các sản phẩm sử dụng chất liệu len, sợi móc khá đa dạng như: Bộ khăn trải bàn và các sản phẩm tranh thêu theo dạng điêu khắc của Hợp tác xã Hữu Hạnh, khăn lụa móc ren và bình hoa hồng bằng len của Doanh nghiệp Mỹ Hoà. Những cơ sở lâu nay có tiếng với các sản phẩm tiểu thủ công đã đầu tư một số mặt hàng mới tinh gọn, tập trung vào mục đích phục vụ du lịch. Cơ sở Cường Hoàn (huyện Lâm Hà) là địa chỉ ươm tơ dệt lụa lâu năm, là điểm đến của du khách quốc tế đã giới thiệu các sản phẩm thêu và lụa như: túi ngủ du lịch, khăn choàng. Cơ sở tranh bướm Ánh Kim (thành phố Bảo Lộc) kể các câu chuyện lãng mạn bằng chất liệu cánh bướm: “Tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời”, “Chuyện tình Đà Lạt”, “Câu chuyện tình yêu”… Chị Nguyệt Ánh - chủ cơ sở Ánh Kim cho biết để tập trung thể hiện nét Đà Lạt - Lâm Đồng trong sản phẩm là điều dễ mà khó, bởi làm sao để bật lên được sự độc đáo, tinh tế, thu hút được du khách, khác biệt với các sản phẩm trước đó, chị rất hứng thú với các vẻ đẹp quê hương và những cánh bướm nên đã thử nghiệm nhiều lần để hoàn thiện sản phẩm. “Câu chuyện tình yêu” của Nguyệt Aùnh - cô gái khuyết tật đã giành giải nhì cuộc thi này và đang được một số đối tác đặt vấn đề ký kết hợp đồng sản xuất.

Trong tình trạng các mặt hàng lưu niệm hiện vừa thiếu, vừa ít độc đáo, những mặt hàng vừa được sản xuất và tiếp tục được đưa giới thiệu trên toàn quốc thông qua hệ thống giải thưởng quốc gia là một “cú hích” cho thị trường quà lưu niệm. Tô đậm thắng cảnh địa phương, thể hiện bằng các chất liệu đặc trưng, phù hợp nhu cầu mua sắm của du khách…những tiêu chí đó phần nào đã được các mặt hàng mới hướng đến. “ Một số chi tiết dù nhỏ nhưng vô cùng quan trọng như gắn lôgô Đà Lạt lên sản phẩm, đa dạng hoá các dạng sản phẩm để tạo thành một thị trường quà tặng sinh động…là những yếu tố mà các cơ sở sản xuất, các cá nhân tham gia sáng tạo sản phẩm lưu niệm cần quan tâm hơn nữa”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng chia sẻ. Từ những hiệu ứng tốt của các sản phẩm với thị trường, theo dự kiến, cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ, do Tổng cục Du lịch tổ chức để lựa chọn thêm nhiều mặt hàng mới, đặc sắc.



Hải Yến
Next
Newer Post
Previous
This is the last post.

0 comments:

Post a Comment

 
Top